VietstockVietstock

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua miễn nhiệm 3 nhân sự, đổi trụ sở chính ra Hà Nội

Bài cập nhật

Sáng ngày 28/11/2024, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua việc chuyển địa điểm đặt trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội, nóng với kiến nghị từ nhóm cổ đông trước thềm Đại hội.

Đại hội Eximbank công bố kết quả biểu quyết với 2 nội dung không được thông qua là: Sửa đổi, bổ sung Điều lệ; Chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm.

Các vấn đề được thông qua gồm:

- Đổi trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội với tỷ lệ thông qua 58.73%.

- Miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú, tỷ lệ 53.85%.

- Miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hồ Nam, tỷ lệ 53.85%.

- Miễn nhiệm Thành viên BKS đối với ông Ngo Tony, tỷ lệ 53.85%.

Eximbank không tăng lượng khách hàng trong 10 năm

“Lý do của việc chuyển trụ sở chính hiện nay? Có ảnh hưởng đến quyền lợi nhân viên ngân hàng phía Nam không?”, một cổ đông đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền TGĐ cho biết: "Eximbank hoạt động tại TPHCM năm thứ 35, và không tăng lượng khách hàng trong 10 năm. Trong khi ngân hàng khác đã tăng trưởng và đi khắp mọi miền tổ quốc.

Chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu Eximbank phủ kín toàn quốc. Tăng độ nhận diện thương hiệu miền Bắc, phát triển các mảng kinh doanh, logistics, hạ tầng, không riêng tài chính.

Ngoài ra, các công tác đã phát triển tại miền Nam đã đến đoạn bão hòa, cần cố gắng duy trì và mở rộng ra miền Bắc. Mong muốn ngành nghề mới để theo kịp ngân hàng bạn trong ít nhất 3 năm nữa, không chỉ dừng lại ở 2.4 triệu khách hàng.

Dời trụ sở chính ra Hà Nội là nhân đôi nhân sự, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Còn ai có tâm địa xấu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi Eximbank sẽ tự động loại bỏ.

Ngoài ra, thị trường có nhiều thông tin lan truyền vô cớ, gây tâm lý không tốt cho cán bộ Eximbank, tạo ra thiệt hại có thật đã được ghi nhận. Eximbank đang nhờ cơ quan có thẩm quyền xác định thiệt hại và ai gây ra. Mong cổ đông tin tưởng cơ quan pháp luật.

Đối với dự án tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm với tổng mức đầu tư 3-4 ngàn tỷ, chúng tôi chọn phương án tốt hơn là kinh doanh trước khi nghĩ đến thương hiệu. Do đó tạm dừng xây trụ sở chính tại đây".

Về chi phí đã đầu tư vào Lê Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch Trần Tấn Lộc cho biết, chi phí liên quan xây dựng số 7 Lê Thị Hồng Gấm trước đây thuộc các nhiệm kỳ HĐQT trước. Nếu dời trụ sở và không tiếp tục xây dựng thì HĐQT sẽ rà soát hồ sơ với đối tác thời gian qua, nếu phát sinh chi phí sẽ thương lượng mức chi phí hợp lý nhất, tránh tổn thất cho Ngân hàng.

Trường hợp có gây ra tổn thất sẽ tính toán và xử lý theo quy định pháp luật dù chủ quan hay khách quan.

“Loại bỏ người dám nói chính kiến ra khỏi HĐQT là tiền lệ nguy hiểm”

Đại hội đến phần thảo luận, đại diện cho hơn 10% cổ phần Eximbank - ông Nguyễn Hồ Nam ý kiến: “Có 3 nhân sự bị đề nghị miễn nhiệm, ảnh hưởng đến quyền cổ đông, nên phải để cho 3 nhân sự này ý kiến, tránh thông tin 1 chiều. Bản thân tôi đại diện hơn 10% vốn”.

Ông Nam cho rằng 95% cổ đông cần được nghe ý kiến từ 3 thành viên HĐQT thay vì tờ trình hời hợt.

Theo ông Nam, nên tôn trọng cổ đông từ mọi miền, càng minh bạch càng thể hiện ngân hàng không ngại gì. “Tôi tôn trọng minh bạch trong quản trị điều hành. Tôi bất ngờ khi có nhóm cổ đông trên 5% đòi miễn nhiệm vì tôi tham gia thiếu cuộc họp HĐQT”.

Tôi đi công tác nước ngoài, có ủy quyền cho bà Tú tham dự thay. Nên lý do tham gia không đủ cuộc họp HĐQT là khiên cưỡng. HĐQT sau khi nghe tôi giải trình cũng không thẩm tra mà đưa vào nội dung họp.

Ngân hàng không chỉ phục vụ cho cổ đông, mà còn cho nền an ninh, minh bạch của quốc gia. Do đó sử dụng diễn giải không tuân thủ pháp luật, mang ý trù dập, loại bỏ người dám nói chính kiến ra khỏi HĐQT là tiền lệ nguy hiểm.

Tôi đang đại diện cho 10% cổ phần, là quyền bất khả xâm phạm, trong quá trình tôi làm việc ở Eximbank luôn hợp tác, tuân thủ pháp luật.

Kính mong ĐHĐCĐ cân nhắc trước khi bỏ phiếu. Kính mong quý cơ quan đưa vấn đề không tuân thủ pháp luật vào nội dung họp, sẽ tạo tiền lệ xấu cho Eximbank”, ông Nam trình bày.

Trưởng BKS: Tôi đã kiến nghị, tiết kiệm cho Eximbank hàng ngàn tỷ đồng

Ông Ngo Tony ý kiến: “Sau quá trình làm việc, phát hiện rủi ro, tôi đã kiến nghị, tiết kiệm cho Eximbank hàng ngàn tỷ đồng. Tôi thấy bên cạnh các mặt đã đạt được thì Eximbank đối mặt chất lượng tài sản giảm sút, thứ hai cấp tín dụng mới có 1 số việc cần phải làm thể hiện qua nợ xấu, nợ quá hạn, nợ có khả năng mất vốn.

Vấn đề này tôi đã nhiều lần đề cập với thành viên HĐQT nhưng chưa nhận được hành động nghiêm túc khắc phục. Do đó, cá nhân tôi đã có kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng, làm rõ dấu hiệu, rủi ro làm sao có giải pháp đảm bảo Ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tôi bất ngờ khi nhận được đề nghị của nhóm cổ đông 5% đề nghị miễn nhiệm tôi. Căn cứ nào xác minh tôi lạm dụng chức quyền ảnh hưởng Eximbank? Căn cứ đó có kết luận của cơ quan chức năng trước khi miễn nhiệm tôi hay không?

Trong thời gian chờ, không hiểu vô tình hay cố ý, HĐQT lại đồng ý đưa tờ trình miễn nhiệm tôi vào nội dung họp thiếu kết luận từ cơ quan chức năng”.

Có dấu hiệu một số thành viên cố tình trì hoãn công tác quản lý rủi ro

Bà Lương Thị Cẩm Tú ý kiến, việc miễn nhiệm theo đề nghị của nhóm cổ đông trên 5% là quyền của họ. Tuy nhiên, khi đó HĐQT phải xem xét có phù hợp đưa nội dung này vào họp ĐHĐCĐ hay không.

Theo quy định Ngân hàng, tôi cũng tham gia đầy đủ cuộc họp, không có “không tham gia liên tục 6 tháng”.

Thông thường, khi nghỉ hoặc có 4 lần vắng mặt, là do tôi đi công tác nước ngoài, có báo cáo HĐQT và ủy quyền lại. Về việc có ủy quyền lại hay không do tôi cảm thấy có tin tưởng hay không, có mang lại bất lợi cho cá nhân tôi hay Ngân hàng không. Điều này Luật có quy định.

Tôi là cổ đông sở hữu cá nhân trên 1% và đại diện cho nhóm cổ đông trên 10% tham gia Eximbank từ 2018 đến nay. Năm 2022 tôi cũng có đóng góp, phát triển lại Ngân hàng theo hoạt động thanh toán quốc tế đúng nghĩa.

Bản thân tôi đang giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro Ngân hàng nhưng bị xem xét miễn nhiệm liên quan đến nhóm lợi ích đang diễn ra tại Ngân hàng. Có dấu hiệu một số thành viên cố tình trì hoãn công tác quản lý rủi ro, thiếu minh bạch. Do đó, những đề nghị này vi phạm luật nhưng vẫn được đưa ra xem xét tại Đại hội. Đề nghị quý cổ đông cân nhắc”, bà Tú nói.

Cơ sở pháp lý đưa tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT

Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh nêu cơ sở pháp lý đưa tờ trình miện nhiệm thành viên HĐQT.

Theo đó, ngày 01/11, Eximbank nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông trên 5%, đề nghị bổ sung tờ trình miễn nhiệm ông Ngo Tony – Trưởng BKS, đồng thời đề xuất miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú khỏi HĐQT.

Căn cứ quy chế nội bộ Eximbank, cổ đông trên 5% có quyền đưa kiến nghị vào chương trình họp trước 3 ngày làm việc. Theo quy định, người triệu tập họp là HĐQT, chỉ được từ chối khi vấn đề kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Theo Chủ tịch, các kiến nghị đều được lập thành văn bản, gửi trước ít nhất 3 ngày, đã xác minh tư cách cổ đông tại ngày có đơn kiến nghị. Vấn đề cổ đông đưa ra là miễn nhiệm thành viên BKS hoặc HĐQT thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ, do đó HĐQT đưa nội dung vào chương trình họp bất thường.

Việc lấy ý kiến bằng văn bản đã tuân thủ đúng nghị quyết HĐQT, đã thực hiện công bố thông tin đầy đủ. Việc thông qua nghị quyết HĐQT chỉ là chấp thuận đưa nội dung vào chương trình họp chứ không làm mất tư cách HĐQT hay BKS của các thành viên.

Nếu HĐQT không đưa kiến nghị đã đáp ứng điều kiện vào họp là vi phạm pháp luật. Do đó, nội dung họp đã được thông qua trên đa số.

ĐHĐCĐ mới có thẩm quyền miễn nhiệm hay không các nhân sự có liên quan. Khi đã nghe ý kiến từ các bên, đề nghị cổ đông cẩn trọng, đưa ra biểu quyết.

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank đang diễn ra sáng 28/11 tại Hà Nội. Ảnh: Cát Lam

Dời trụ sở chính về tòa Gelex Tower

Tính đến 8h45, tổng số 209 cổ đông tham dự với hơn 985 triệu cp có quyền biểu quyết, tương đương tỷ lệ 52.9%. Do đó, Đại hội có thể tiến hành.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ công bố hôm 05/11, Eximbank muốn dời trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội. Cụ thể là từ địa chỉ là tầng 8, văn phòng số L8-01-11+16 Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM về địa chỉ số 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Eximbank nêu lý do: “Bên cạnh việc tiếp tục củng cố vị thế tại thị trường miền Nam, Eximbank xác định miền Bắc là thị trường năng động, còn nhiều dư địa để khai thác. Vì thế, Ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận khách hàng tiềm năng tại khu vực này để nắm bắt các cơ hội thị trường, giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận và sức ảnh hưởng của thương hiệu”.

Ngoài ra, Eximbank còn có tờ trình chấm dứt chủ trương xây dựng trụ sở chính tại số 7 lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM.

Chỉ mới hồi ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức ngày 26/04, Eximbank đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch dời trụ sở chính từ Tòa nhà Vincom Center, số 7 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM sang tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM. Tuy nhiên, tờ trình này có tỷ lệ không thông qua là 90.62% số cổ phần dự họp.

Miễn nhiệm 2 Thành viên HĐQT

Ngày 06/11, Eximbank cập nhật tài liệu, bổ sung tờ trình kiến nghị của nhóm cổ đông theo văn bản ngày 29/10/2024, nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank: "Miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát Eximbank đối với ông Ngô Tony” với lý do: “Ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông".

Tiếp đó, ngày 25/11, Eximbank tiếp tục bổ sung tờ trình, kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% khác “miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam” với lý do không tham gia đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến bằng văn bản.

Hiện, HĐQT Eximbank đang có 7 thành viên: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Anh, 4 Phó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và ông Trần Tấn Lộc, Thành viên HĐQT - ông Phạm Quang Dũng, thành viên HĐQT độc lập - ông Trần Anh Thắng.

ĐHĐCĐ bất thường lần này, các tờ trình bổ sung liên quan đến nhân sự và kiến nghị giữa các nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn Ngân hàng bắt nguồn sau ý kiến di dời trụ sở chính. Địa chỉ 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là nơi đặt Tòa nhà Gelex Tower.

Trước những tranh cãi, Eximbank khẳng định việc chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai, minh bạch tại ĐHĐCĐ và chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ tán thành trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Hồ sơ chuyển trụ sở chính cũng phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét chấp thuận theo quy định.

Bên cạnh đó, ngày 19/11 Eximbank cũng từng lên tiếng về câu hỏi của cổ đông và nhà đầu tư liên quan đến thông tin NHNN thanh tra hoạt động của Eximbank.

Eximbank nhấn mạnh rằng Ngân hàng không nhận được bất kỳ quyết định nào từ Ngân hàng Nhà nước về việc thanh tra hoạt động cấp tín dụng trong thời gian gần đây. Đồng thời, Ngân hàng đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tài chính của khách hàng và đối tác.

Trước đó, vào giữa tháng 10, thị trường xuất hiện văn bản được cho là "kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng đe dọa an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank". Sự việc khiến Eximbank phải lên tiếng bác bỏ, khẳng định tài liệu này không do Ngân hàng phát hành và chưa được xác thực.

Cát Lam

FILI


المزيد من الأخبار من Vietstock

المزيد من الأخبار