Vàng đã phục hồi trở lại từ vùng hỗ trợ mạnh $1,765 trong phiên đầu tiên của tháng 12. Có những lý do để tin rằng động lượng phục hồi sẽ tiếp tục kéo dài.
Trong bài viết gần đây, tôi đã đưa ra nhận định rằng giá vàng có thể giảm về vùng 11765/OZ sau khi đã đóng cửa ngày dưới vùng 11825/OZ, tuy nhiên tôi cũng nhấn mạnh rằng giá khó có thể đi xa hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Các bạn có thể tham khảo lại bài viết này.

Yếu tố chính khiến giá vàng sụp đổ trong thời gian qua, không cần nói nhiều, đó là do các thông tin đột phá về vắc xin ngay sau thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ, dẫn đến hành động bán tháo của các quỹ ETF, thế lực chính thúc đẩy giá vàng tăng trong năm nay. Các quỹ này đã bán ra xấp xỉ 100 tấn vàng trong tháng 11, một động thái tương đối giống năm 2016 khi chính các quỹ ETF đã dẫn dắt đà giảm của giá vàng, bán tháo hơn 250 tấn từ sau bầu cử cho tới thời điểm Giáng sinh.

Các thông tin về vắc xin vốn đã được kỳ vọng trong vài tháng trước bầu cử (khi chứng khoán bùng nổ bất chấp các đợt bùng phát trở lại của Covid-19), và tới khi các đột phá về vắc xin xuất hiện từ tháng 11, thì thị trường cũng đã có hơn 3 tuần để "tiêu hóa" các thông tin này vào giá. Do đó, về cơ bản tôi cảm nhận việc định giá của tin vắc xin vào giá vàng coi như đã xong.

Quay trở lại 2 yếu tố quan trọng dẫn dắt sức mạnh giá vàng trong năm nay, đó là sức mạnh của đồng USD và lợi suất thực của Mỹ (tương quan nghịch với giá vàng), thì chúng ta đã chứng kiến tương quan này bị đảo ngược trong tháng 11 sau thông tin vắc xin, tuy nhiên nên nhớ rằng, đó chỉ là sự đảo ngược nhất thời.

DXY dẫn dắt giá vàng, chứ không phải ngược lại. Do đó, với việc đồng USD lao dốc trong 1 tháng trở lại đây, và đang suy yếu có cấu trúc, thì viễn cảnh về sự bán tháo của USD tại mốc hỗ trợ quan trọng 91.7/91.8 sớm muộn cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Logic của tôi là, "Downside Limited" - tức là để vàng phá vỡ hỗ trợ mạnh $1,765/oz thì thị trường cần yếu tố tác động đủ mạnh để "bóp cò" tại các vùng hỗ trợ, nếu không có thì giá sẽ bật lên từ cản.

Kế đến, hãy nhìn biến động của lợi suất thực kỳ hạn 10 năm của Mỹ. Trong năm nay, giá vàng - vốn là tài sản phi lợi suất đã tăng mạnh khi lợi suất thực của Mỹ giảm và chuyển sang âm sâu, có lúc chạm mức -1.08%, và khi lợi suất thực của Mỹ tạo đáy vào ngày 7/8/2020 thì đó chính là ngày vàng tạo đỉnh. Và bạn hãy nhớ, nhà giao dịch vàng quan sát lợi suất thực, chứ không phải ngược lại, để ra quyết định. Và cũng như đồng USD, lợi suất thực của Mỹ đang giảm trở lại trong vài tuần trở lại đây, hiện đang ở mức -0.93%, và cũng như tôi nói ở trên, điều này sớm hay muộn cũng sẽ hỗ trợ cho vàng.

Tiếp theo, điều gì có thể mang lại niềm tin cho những người yêu thích kim loại quý trong giai đoạn tới? Yếu tố chu kỳ. Hãy quan sát "Seasonality Chart" của vàng trong 20 nặm trở lại đây, biểu thị theo Heatmap (màu xanh là mức tăng, màu đỏ là mức giảm của từng tháng, hiển thị theo % tăng giảm). Trong vòng 20 năm trở lại đây, vàng chứng kiến mức tăng bình quân gần 1% trong tháng 12, và tháng 1 thì luôn là tháng mạnh mẽ nhất của vàng, với mức tăng bình quân gần 3%. Tuy nhiên, kể từ 2016 trở lại đây thì vàng luôn tăng rất mạnh trong tháng 12. Nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc, quốc gia đi trước trong việc phục hồi kinh tế, có thể đóng vai trò hỗ trợ cho sức mua của vàng theo yếu tố chu kỳ.

Bây giờ hãy quay trở lại với PTKT của XAU/USD trên Daily Chart. Vàng hiện tại đang dao động trong Pitchfork giảm, và đã gần tiệm cận cạnh dưới, tuy nhiên đã bật lên từ hỗ trợ mạnh $1,765. Chỉ báo RSI có dấu hiệu thoát lên từ vùng Oversold sau khi đã chạm mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây, và nếu giá vàng hôm nay đóng cửa trên vùng 1,800 (ngưỡng đường trung bình 200 ngày), và đẹp nhất là đóng cửa trên 1,810 thì giá có thể tạo mô hình "Morning Star" đảo chiều.

Ở bên dưới, mốc hỗ trợ cứng của vàng là $1,765, trong khi $1,795 đang là hỗ trợ gần nhất. Ở phía trên, vùng $1,820-1,825 đang là kháng cự gần nhất, là đỉnh nến Pullback cũ, cũng là đường Tenkan của Ichimoku. Tuy nhiên, mốc kháng cự thực sự đáng chú ý là vùng 1,850 - Key level bị xuyên thủng trong tháng 11, và cũng tiệm cận Median Line của Pitchfork.

Có một điểm mà những người "Long" vàng sẽ lo lắng, đó là động thái xả hàng của các quỹ ETF vẫn chưa dừng lại, và đây vẫn sẽ là nhân tố cần phải bám sát từng ngày (đặc biệt là hôm nay, khi giá tăng liệu các quỹ này đã dừng bán chưa, ít ra thì hôm qua SPDR đã dừng bán, nhưng các quỹ tại châu âu vẫn bán). Tuy nhiên, đánh giá tổng thể bức tranh về vàng, bao gồm tin tức vắc xin đã được định giá, tình hình Covid ngắn hạn tại Mỹ đang xấu có thể ảnh hưởng đến triển vọng số liệu kinh tế chờ công bố, DXY và US Real Yield cùng giảm, yếu tố chu kỳ của vàng, và các tín hiệu kỹ thuật trên đồ thị ngày (Morning Star Pattern + RSI quay lên tại hỗ trợ mạnh) thì tôi kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Tạm thời, mức mục tiêu hướng đến sẽ là vùng $1,850/oz (Median Line của Pitchfork), đến ngưỡng đó sẽ tiếp tục cập nhật lại xu hướng, còn nếu giá phá xuống dưới vùng $1,765 thì tôi sẽ đánh giá lại quan điểm của mình.

Còn một yếu tố nho nhỏ mà tôi quan tâm, đó là tâm lý của Retail trader đã gia tăng Bearish trong tuần này, thể hiện qua chỉ số DMSI đã giảm từ 47 xuống 42. Bạn biết gì không? Retail Trader thường bị trigger và dễ sai, do đó tâm lý này phù hợp với Price Action dạng "Giá giảm trước, rồi bật tăng sau".

Các bạn có thể cân nhắc tỷ lệ Risk/Reward và các vùng hỗ trợ/kháng cự mà tôi đề cập để tối ưu hóa Trading Plan của mình. Lưu ý, đây là quan điểm trên Daily Chart.

Disclaimer: Đánh giá thể hiện quan điểm cá nhân, chỉ có giá trị tham khảo, không phải và không được coi là hoạt động tư vấn khuyến nghị đầu tư, mua, bán bất kỳ sản phẩm nào hoặc tư vấn cho bất cứ hoạt động kinh doanh nào và không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của bất kỳ cá nhân/tổ chức nào.
Beyond Technical AnalysisFundamental AnalysisTrend Analysis

يعمل أيضًا:

منشورات ذات صلة

إخلاء المسؤولية